Nghệ nhân Trần Độ – từ người con ưu tú đến bậc thầy gốm Việt

Trong những dòng gốm dân tộc vang bóng một thời như thì gốm Bát Tràng luôn có vị trí riêng. Nhiều sản phẩm của Bát Tràng được dùng làm quà lưu niệm tặng các nguyên thủ quốc gia tại các hội nghị cấp cao; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các phái đoàn ngoại giao tin tưởng đặt hàng làm những sản phẩm dành tặng các chính khách trong những chuyến công du… Để có được niềm vinh dự tự hào này, người Bát Tràng luôn nhắc đến người nghệ nhân đặc biệt – Trần Độ.

Nghe-nhan-tran-do-banner

1. Tiểu sử nghệ nhân Trần Độ

Nghệ nhân Trần Văn Độ (thường gọi là Trần Độ) là đời thứ 18 trong dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng. Ông sinh năm 1957, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Lớn lên, người có hoa tay của đất tự nguyện theo nghề cha ông. Năm 1975, Trần Độ vào làm công nhân Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng.

Cần mẫn cóp nhặt kinh nghiệm của cha từ năm 10 tuổi và sau đó là kinh nghiệm trong những năm làm thợ tại xí nghiệp gốm, đến năm 29 tuổi, Trần Văn Độ mới thật sự thấy mình đủ độ chín để sống với nghiệp gốm và ông quyết định mở lò sản xuất gốm từ đây.

Chân dung nghệ nhân Trần Độ
Chân dung người nghệ nhân của gốm sứ Việt

2. Từ đứa con nhà nòi…

“Từ khi lên 10 tuổi, tôi được cha dẫn vào xưởng sản xuất, cho tập làm những công đoạn như vò đất, bắt vanh… sau đó lại được bác ruột là nghệ nhân giỏi của làng truyền dạy kinh nghiệm pha chế nguyên liệu gốm sứ truyền thống. Thời điểm ấy, bàn tay non nớt của một đứa trẻ phải giã từ những trò chơi cùng chúng bạn đồng trang lứa để làm quen với nghề của cha ông, tôi không có tham vọng trở thành một nghệ nhân gốm như bây giờ”

Đấy là những chia sẻ đầy mộc mạc của người nghệ nhân tài hoa Trần Độ với phóng viên báo Hà Nội Mới. Để thấy, có được sự công nhận tài năng như hôm nay không phải là một điều ngẫu nhiên, may mắn… mà đó là cả một quá trình hình thành và dày công tôi luyện qua năm tháng của người nghệ nhân.

Ông cũng cho biết thêm khi còn nhỏ ông đã được học và nghe các cụ cao tuổi trong làng nói chuyện về gốm Bát Tràng. Sau này ông tìm hiểu thêm ở các chuyên gia, rồi được xem các bộ sưu tập gốm và từ đấy nẩy ra ý tưởng tìm con đường riêng là mình phải học hỏi, phải trau dồi kiến thức để làm những sản phẩm mang dấu ấn của dòng gốm Lý Trần.

Với niềm đam mê với gốm, sản phẩm của Trần Độ hội tụ được nhiều nét dáng của các dòng gốm cổ Việt Nam trong các thế kỷ trước đây. Ông chăm chỉ chiêm ngẫm nhiều mẫu dáng gốm trưng bày trong các bảo tàng hay trong các sưu tập gốm nổi tiếng của bè bạn, tiếp xúc học hỏi với các chuyên gia nghiên cứu gốm đầu ngành và cần mẫn tìm hiểu về những hoa văn, những màu men cổ.

Cũng vì thế, gốm Trần Độ sẽ thấy bóng dáng của gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lam thời Lê và gốm men rạn thời Lê – Nguyễn, như là một “đặc sản” chỉ có riêng của gốm Bát Tràng.

Bình rượu gốm Trần Độ
Gốm sứ Trần Độ gắn liền với men ngọc

XEM THÊM: Nghệ nhân Trần Nam Tước – người tôn tạo giá trị văn hóa gốm sứ dân tộc

3 …Đến bậc thầy tinh hoa của gốm sứ Việt

Hơn nửa thế kỷ làm nghề, điều mà nghệ nhân Trần Độ tự hào nhất là gốm Bát Tràng đã xuất hiện và lưu dấu ấn trên nhiều địa danh lịch sử của đất nước như Trường Sa, Tòa nhà Quốc hội, những di tích lịch sử…. ; được đại diện cho Việt Nam làm quà tặng cho nhiều chính khách khắp thế giới.

Ảnh chụp nghệ nhân Trần Độ
Nghệ nhân Trần Độ chụp hình với khách tại Tư gia

Một chút câu chuyện quá khứ mà nghệ nhân Trần Độ chia sẻ. Khi đó có người còn nói vụng sau lưng: “Trần Độ phục chế những sản phẩm cổ” chỉ có bán cho chó ”. Nghe được ông không bực, không giận họ. Ông lại càng quyết tâm làm làm cho kỳ được theo con đường mình đã chọn. Ông có niềm tin tưởng, hôm nay chưa hiểu, ngày mai mọi người sẽ thấy, sẽ hiểu.

Không thể kể ra đây biết bao đêm trăn trở, biết bao mồ hôi công sức bỏ ra cho tới ngày ông làm chủ được bí quyết phục dựng dòng gốm Bát tràng cổ xưa. Năm đó, ông đổ hết tiền bạc mày mò thử nghiệm một kiểu gốm mới. Lò đã đốt đến giai đoạn cuối mà củi trong nhà đã cạn. Củi hết, tiền mua củi cũng chẳng còn, biết lấy gì nuôi ngọn lửa đang cháy trong lò. Hai vợ chồng ông nhìn nhau rồi ngậm ngùi đi đến một quyết định khó khăn. Đó là cắn răng chẻ nhỏ một phần chiếc giường cưới của hai vợ chồng ra để đủ củi đốt lò.

Thật may, chiếc giường cưới khi đó được ghép bằng 4 tấm phản. Khi ông đốt hết 2 tấm phản của chiếc giường kỷ niệm của gia đình, cũng vừa may đủ cho gốm chín. Thật may mắn sao, trời không phụ lòng người, mẻ gốm đó  thành công.

Khi đó ông đã thầm nghĩ: Trời Phật đã độ cho Trần Độ. Âu cũng là bài học cho ông, cho thế hệ trẻ, nhất là những bạn trẻ khởi nghiệp. Nếu dám cháy hết mình cho đam mê, rồi quả ngọt cuối cùng sẽ đến.

Những năm sau đó, thành công nối tiếp thành công, cuối cùng công sức bỏ ra đã được đền đáp. Hiện ông đã có trong tay bí quyết của hơn 69 loại men cổ độc đáo với các bài men khác nhau. Ông tự hào vì đã gìn giữ bảo vệ được những dòng men quý được cha ông chúng ta sáng chế. Từ đó, ông được cùng chung tay gìn giữ vốn cổ, hồn cốt của dân tộc Việt.

Những sản phẩm của ông ngày càng được giới chuyên môn cũng như bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sản phẩm gốm Trần Độ mang trong mình hồn cốt Việt được nâng tầm thời đại. Trên nền men gốm cổ, những đường nét hoa văn, họa tiết trang nhã của các triều đại Việt được tái hiện, phục chế lại như nguyên bản.

Thành tựu của nghệ nhân Trần Độ
Sản phẩm của Trần Độ được nhiều lãnh đạo cấp cao chọn làm quà tặng

Rất nhiều sản phẩm gốm sứ cao cấp của Trần Độ đã có mặt ở khắp các tỉnh thành Việt Nam và nhiều quốc gia khác, nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng cũng như gốm Trần Độ đã được ngao du khắp mọi miền tổ quốc cũng như khắp nơi trên thế giới.

Bát Tràng đến nay đang từng ngày thay đổi diện mạo của mình và sức sống của làng nghề đã ngót nghét nghìn năm tuổi vẫn đang được thổi lên bởi hàng ngàn lò gốm đang ngày đêm rực cháy.

XEM THÊM: Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn – thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ.

4. Các giải thưởng và thành tựu của nghệ nhân Trần Độ.

  • Huy chương “Bàn tay vàng” do Liên hiệp HTX Thủ công nghiệp Trung ương tặng năm 1990.
  • Giải thưởng Đôi bàn tay vàng của Hội Mỹ thuật Đông Dương (1999).
  • Giải thưởng Hà Nội vàng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cùng ban tổ chức Hội chợ Doanh nghiệp VN hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phong tặng (2002);
  • Giải vàng Ngôi sao Việt Nam (Hội Mĩ thuật Việt Nam) (2002).
  • Năm 2005, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phan Văn Khải, sản phẩm gốm Trần Độ được dùng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia của Hoa Kỳ và Canada. Trong số những món quà quý giá đó, phải kể đến “lư gốm thời Nguyễn” và “đôi lọ hoa thờ thời Trần” đã được Thủ tướng Phan Văn Khải trân trọng trao tặng Tổng thống Hoa Kỳ George Bush và vợ chồng Thủ tướng Canada.
  • Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nghệ nhân Trần Độ vinh dự được tham gia chương trình hiến tặng linh vật gốm “Rùa vàng” nặng hơn 4 tấn. Linh vật “Thần Rùa vàng” được tạo tác theo nguyên bản rùa thiêng ở Hồ Gươm. Gốm “Thần Rùa vàng” chính thức được rước từ làng Bát Tràng về đền Ngọc Sơn (Hồ Gươm).
  • Năm 2010, được đại diện cho các nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng trao tặng tượng “Phật hoàng Trần Nhân Tông” cho Đại học Harvard Hoa Kỳ. Bức tượng đã được trưng bày tại Đại học Harvard với thông điệp Hòa bình cho thế giới.
  • Nhận được lời mời tham dự chính thức của Thủ tướng Chính phủ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Đà Nẵng diễn ra vào khoảng tháng 11 năm 2020. Tại sự kiện, thay mặt làng Bát Tràng trưng bày các sản phẩm gốm.
  • Đặc biệt, lần đầu tiên xuất bản và trưng bày bộ sưu tập “Dấu ấn triều Nguyễn”. Đây được xem là một món quà để chào đón kì Đại hội thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Bộ sưu tập “Dấu ấn triều Nguyễn” sẽ được trưng bày chào đón năm mới 2021 tại cố đô Huế.

Chừng nào đôi tay chưa mỏi, chừng đó người nghệ nhân tài hoa này còn tận hiến cho công việc và mảnh đất mà ông gắn bó, mê say. 

5. Giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của nghệ nhân Trần Độ

Bình tỏi lục ngọc bảo
Lục bình men lục ngọc bảo bọc vàng
Bình tỏi công đào
Bình tỏi công đào đắp nổi mạ vàng
Chóe thờ
Cặp chóe thở lục ngọc bảo mạ vàng
Chân đèn thở
Bộ chân đèn thờ lục ngọc bảo
Men hỏa biến Trần Độ
Sản phẩm thuộc dòng men hỏa biến của nghệ nhân Trần Độ

Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ – người con ưu tú của làng nghề Bát Tràng, người được giới trong nghề tôn vinh là “ Vua Men gốm Bát Tràng” bởi gia tài hơn 60 loại men cổ. Bộ sưu tầm gốm Đinh – Lê – Lý – Trần nổi tiếng của Trần Độ tô đậm thêm  dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

đồ thờ bát tràng
Bình luận (0 bình luận)