Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn – thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ.

Ai có dịp ghé nhà Nghệ Nhân Tô Thanh Sơn để tham quan đều sẽ biết đến dòng chữ trên tấm bảng treo vách tường: “…Từng góc nhìn, từng bước chân, toát lên được cái hồn cốt, cái tình người trong gốm. Với mong muốn mọi người khi ghé thăm đều cảm thấy như trở lại chốn quê dưới mái nhà xưa…”

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn banner

1. Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn

Tô Thanh Sơn là nghệ nhân ưu tú của làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Ông là người được ví thu cả vũ trụ vào một cái chén nhỏ.

bộ ấm chén hoa nở trong lòng chén
Những tác phẩm được ví von là “thu nhỏ cả vũ trụ’ của nghệ nhân Tô Trung Sơn

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn nằm trong 4 nghệ nhân Bát Tràng gồm: “Độ – Thắng – Lợi – Sơn”. Nếu như NNND Trần Độ nổi tiếng với việc phục chế các dòng gốm cổ của Thăng Long thì cố NNND Vũ Đức Thắng được biết tới với kỹ thuật phủ men chồng màu độc đáo và là người thành lập bảo tàng tư nhân Hồn Đất Việt.

NNƯT Vương Mạnh Tuấn với sản phẩm ấm Tử Sa độc đáo, đòi hỏi kinh nghiệm khắt khe về nghề… Hòa trong dòng chảy chung làm nên thương hiệu của làng nghề Bát Tràng, NNƯT Tô Thanh Sơn – người tạo ra dòng men rạn từ xương gốm.

Nghệ nhân Tô Thanh Sơn (1)
Tô Thanh Sơn được nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú

Với kinh nghiệm và tâm huyết nghề gốm nhiều năm, ông đã cho ra đời vô số những sản phẩm gốm Bát Tràng được người sử dụng tin tưởng như đồ thờ, ấm chén, bát đĩa,… bằng gốm Bát Tràng. Ông còn có phòng trưng bày gốm riêng của mình với những tác phẩm bình, lọ, lư hương, tượng phật,…

Ông còn được mọi người biết đến khi được đặt hàng đặc biệt ở khu Thái Miếu – Lam Kinh – Thanh Hóa. Không những thế, ông còn là người lưu giữ những sản phẩm gốm men rạn bị thất truyền thế kỉ XIX. Sự đam mê với nghề của ông còn được nhà nước ghi danh và phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú của làng gốm Bát Tràng.

2. Tiếp nối dòng chảy của truyền thống

Nghệ nhân chia sẻ: “Muốn đi lên được phải thả hồn vào sản phẩm. Mình không yêu sản phẩm của mình, tại sao người tiêu dùng yêu được”.

nghệ nhân Tô Thanh Sơn
Gần gũi với thiên nhiên cũng là một cách để cảm nhận và tạo ra sản phẩm

Đây là câu nói được thốt ra từ một người nghệ nhân từng trắng tay vì nghề Gốm, nay cũng chính vì gốm ông đã trở thành tấm gương cho bao thể hệ thanh niên làng nghề ngưỡng mộ và noi theo.

Ngược trở lại những năm đầu thập niên 90, anh thợ gốm trẻ Tô Thanh Sơn ngày ấy nguyện lập nghiệp và mưu sinh bằng chính nghề của ông cha để lại. Anh tầm sư học đạo, tích lũy kinh nghiệm làm nghề của các bậc cao nhân trong làng. Người thì anh học cách tạo dáng, người thì học những thủ thuật làm men, làm màu; cùng với đó là những bí ẩn về hỏa biến từ ngọn lửa trong lò nung.

Tự động viên bản thân làm giàu từ chính từ hai bàn tay và hòn đất quê hương chàng trai trẻ ngày ấy đã cùng bạn bè gặp đủ những trắc trở, khó khăn phải vượt qua. Và chính anh đã bị quật ngã trong một hợp đồng làm ăn, khi công ty gia đình bị đối tác chiếm dụng vốn khá lớn.

Sản phẩm được trưng bày tại “Thuận An Đường”
Một góc trưng bày sản phẩm tại nhà nghệ nhân Tô Trung Sơn

XEM THÊM: Nghệ nhân Ưu tú Phạm Đạt – “Trứng rồng lại nở ra rồng”

3. Sáng tạo tương lai từ gốm

Trong lúc cam go, có thể đóng lại giấc mơ gốm sứ do không đủ tài chính thì Tô Thanh Sơn chợt nhớ lời người bạn và cũng là người thầy dạy của mình là giáo sư – họa sĩ Trần Khánh Chương “Muốn con đường gốm trở nên bền vững và phát triển, phải được phát huy trên nền tảng gốm truyền thống”.

Tồn tại hay không tồn tại? Nếu cứ chạy theo mẫu mã thị trường, bóng bảy, thực dụng thì sẽ bị chết tức tưởi trước hàng ngoại tràn ngập.

Đó là kinh nghiệm sống còn mà nghệ nhân trẻ Tô Thanh Sơn ngày đó đã trải qua. Nhưng con đường tìm về dòng gốm truyền thống như thế nào cũng không hề dễ dàng. Một cuộc dấn thân mới. Một cuộc cách mạng về tư duy và phương thức làm ăn đầy thách thức trước thực tiễn.

Nhà riêng của nghệ nhân Tô Thanh Sơn
Một góc tư gia của nghệ nhân Tô Thanh Sơn

Cuộc cách mạng gốm sứ bắt đầu từ cách làm gốm truyền thống. Tập trung làm hàng gia dụng, cùng những họa tiết truyền thống và phủ men cổ để tạo nên nét đặc trưng Bát Tràng. Nhưng men phủ lên như thế nào, chọn đường nét họa tiết, hình tượng ra sao, hàng đến tay người tiêu dùng không đơn giản chỉ là đẹp và giá thành rẻ nhưng vẫn mang phong cách của riêng mình quả là một quá trình lao động đầy trầm luân.

Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh khốc liệt giữa sự xâm thực ồ ạt những hàng gốm sứ ở nước ngoài tràn vào. Tâm lý sính dùng hàng ngoại là một trở ngại hết sức cam go đối với thị trường gốm Bát Tràng.

Nhưng rồi những ngày đêm miệt mài tìm kiếm cuối cùng cũng được đền đáp, ông đã tìm ra một sản phẩm gốm sứ đẹp mang đầy đủ những yếu tố truyền thống, có nét đặc thù riêng. Đó là dòng gốm Bát Tràng mang phong cách Tô Thanh Sơn – một sự phát hiện chính từ ngôi nhà “Thuận An Đường” – nơi chính ông đang sinh sống.

san-pham-cua-to-thanh-son (3)
Bộ ấm chén thương hiệu Tô Thanh Sơn

Các mẫu hàng của nghệ nhân Tô Thanh Sơn cũng được chính người tiêu dùng biết và tìm đến. Nhiều gian hàng ở chợ gốm đã đặt hàng mang thương hiệu Tô Thanh Sơn để bán. “Có lẽ chính tôi đã bị dòng gốm này mê hoặc từ lâu là vì thế” – Nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã thốt ra khi kể lại câu chuyện đi tìm thương hiệu gốm sứ cho riêng mình với PV báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Phát triển gốm theo hướng dòng truyền thống đã thúc giục trong tâm hồn nghệ nhân Tô Thanh Sơn một cuộc dấn thân mới. Đó là sự nghiệp phục hồi những nền tảng nghệ thuật gốm của ông cha đã bị mai một đi hàng trăm năm qua.

Một trong những thử thách đầu tiên là việc nghệ nhân đã chế tác đôi bình gốm men lam và dâng tiến tại đền thờ tổ gốm sứ Đặng Huyền Thông, tại quê hương gốm Chu Đậu, Hải Dương. Đó là một thành công được đánh giá cao khi nghệ nhân Tô Thanh Sơn đã phục hồi chính xác màu men lam xám của bậc tiền bối Đặng Huyền Thông vào thế kỷ 16.

san-pham-cua-to-thanh-son (2)
“Tròn mắt” với các tuyệt phẩm của nghệ nhân Tô Thanh Sơn

XEM THÊM: Phạm Thế Anh – nghệ nhân gắn liền với những bộ “Hồng Sa”

4. Thành tựu tiêu biểu nghệ nhân Tô Thanh Sơn trong khâu phục chế gốm cổ.

Phục chế chiếc chóe lớn màu men trà, một màu men cổ được nghệ nhân chế tác nhân dịp chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Phục chế chiếc chóe được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô về Thăng Long. Phía sau là toàn bộ bức Chiếu dời đô. Đây là một tác phẩm gốm tạo hình đậm chất truyền thống và lớn nhất từ trước đến nay (cao 1,65m, đường kính 1m). Đó là một kỷ lục và một đỉnh nghệ thuật gốm Bát Tràng.

san-pham-cua-to-thanh-son (4)
Tác phẩm phục chế lập kỷ lục của nghệ nhân Tô Thanh Sơn

Các sản phẩm của Tô Thanh Sơn được đặt vào hàng “gốm đặc biệt” ở khu Thái Miếu – Lam Kinh (Thanh Hóa). Toàn bộ đồ thờ đã được nghệ nhân phục dựng đúng với men gốm cổ của thời Hậu Lê, với họa tiết đắp nổi đặc trưng của nó.

5. Dấu hiệu nhận biết sản phẩm chính hãng của nghệ nhân Tô Thanh Sơn chỉ người trong nghề mới biết

Các sản phẩm của nghệ nhân Tô Thanh Sơn đều có logo ở mỗi sản phẩm. Logo là hình ảnh giống 1 chú chuồng chuồng. Hoặc có thể quét mã QR code được dán dưới sản phẩm để xác nhận sản phẩm chính hãng của nghệ nhân.

logo-nghe-nhan-to-thanh-son
Logo thương hiệu sản phẩm

Tô Thanh Sơn nổi tiếng ở sự độc diễn, khám phá và phục dựng dòng gốm men rạn bị thất truyền từ thế kỷ 19. Nói đến gốm Tô Thanh Sơn là nói đến men lam thời Nguyễn và nói đến men rạn (rạn từ xương gốm) cổ truyền. Một thương hiệu đích danh, dị biệt.